Liên kết

A MI ĐÀ PHẬT

11597878014_53a52ca667_b
1imge
TÁN PHẬT A MI ĐÀ
Phật A Mi Đà Thân Kim Sắc.Tướng Tốt Quang Minh Tự Trang Nghiêm.Năm Tu Di Uyển Chuyển Bạch Hào.Bốn Biển Lớn Trong Ngần Mắt Biếc.Trong Hào Quang Hóa Vô Số Phật.Vô Số Bồ Tát Hiện Ở Trong.Bốn Mươi Tám Nguyện Độ Chúng Sanh.Chín Phẩm Sen Vàng Lên Giải Thoát.Quy Mạng Lễ A Mi Đà Phật.Ở Tây Phương Thế Giới An Lành.Con Nay Xin Phát Nguyện Vãng Sanh.Cúi Xin Đức Từ Bi Tiếp Độ.Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Mi Đà Phật.

A Mi Đà Phật 108 lần (hay niệm nhiều hơn).

Thật Vì Tử Sanh, Phát Tâm Bồ Đề,
Tin Sâu, Nguyện Thiết, Chấp Trì Hồng Danh A Mi Đà Phật.
Niệm Phật Là Nhân, Thành Phật Là Quả.
Niệm Phật Thành Phật.
Tâm Này Là Phật, Tâm Này Làm Phật.

“Ðâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Ðâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ.
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động.
Ðâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp.”

Lục Tổ Huệ Năng

avatar128_1

PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH TÂY PHƯƠNG

Đệ Tử Chúng Con. Hiện Là Phàm Phu.Trong Vòng Sanh Tử. Tội Chướng Sâu Nặng. Luân Chuyển Sáu Đường. Khổ không Nói Được.Nay Gặp Tri Thức. Được Nghe Danh Hiệu. Bản Nguyện Công Đức Phật A Mi Đà. Một lòng Xưng Niệm. Cầu Nguyện Vãng Sanh. Nguyện Phật Từ Bi. Xót Thương Chẳng Bỏ. Phóng Quang Nhiếp Thọ. Đệ Tử Chúng Con, Chưa Biết Phật Thân. Tướng Tốt Quang Minh. Nguyện Phật Thị Hiện. Cho Con Được Thấy. Lại Thấy Tướng Mầu.Quán Âm Thế Chí. Các Chúng Bồ Tát Và Thế Giới Cực Lạc, Thanh Tịnh Trang Nghiêm, Vẻ Đẹp Quang Minh.Xin Đều Thấy Rõ. Con Nguyện Lâm Chung Không Chướng Ngại, A Mi Đà Phật Đến Rước Từ Xa, Quán Âm Cam Lồ Rưới Nơi Đầu, Thế Chí Kim Đài Trao Đỡ Gót, Trong Một Sát Na Lìa Ngũ Trược, Khoảng Tay Co Duỗi Đến Liên Trì. Khi Hoa Sen Nở Thấy Từ Tôn, Nghe Tiếng Pháp Sâu, Lòng Sáng Tỏ, Nghe Xong Liền Ngộ Vô Sanh Nhẫn, Không Rời An Dưỡng, Lại Ta Bà, Khéo Đem Phương Tiện Lợi Quần Sanh, Hay Lấy Trần Lao Làm Phật Sự, Con Nguyện Như Thế Phật Chứng Tri, Kết Cuộc Về Sau Được Thành Tựu. Niệm Phật,Lạy Phật Công Đức Thù Thắng Hạnh,Vô Biên Thắng Phước Giai Hồi Hướng, Phổ Nguyện Pháp Giới Chư Chúng Sanh, Tốc Vãng Vô Lượng Quang Phật Sát. Nguyện Tiêu Tam Chướng Trừ Phiền Não. Nguyện Đắc Trí Huệ Chơn Minh Liễu. Phổ Nguyện Tội Chướng Tất Tiêu Trừ.Thế Thế Thường Hành Bồ Tát Đạo.Nguyện Sanh Tây Phương Tịnh Độ Trung.Cửu Phẩm Liên Hoa Vi Phụ Mẫu,Hoa Khai Kiến Phật Ngộ Vô Sanh,Bất Thối Bồ Tát Vi Bạn Lữ.Nguyện Dĩ Thử Công Đức.Phổ Cập Ư Nhất Thiết.Ngã Đẵng Dữ Chúng Sanh.Giai Cộng Thành Phật Đạo.

Tại sao phải chọn pháp môn Niệm Phật?

Lời Phật dạy trong Kinh Đại Tập : “Thời đại mạt pháp ức ức người tu ít có người đắc đạo, duy chỉ y theo pháp môn niệm Phật, mới được độ thoát”

Chú ý cụm từ “DUY CHỈ Y THEO PHÁP MÔN NIỆM PHẬT MỚI ĐƯỢC GIẢI THOÁT” mà Phật dạy thì biết được tại sao phải niệm Phật mà không học pháp môn khác trong thời kỳ Mạt pháp này, vì không hợp với căn cơ của chúng sanh thời nay vậy.

“Duy chỉ” tức là duy nhất, một và chỉ một mà thôi không có cái thứ hai. Không có cái pháp thứ hai mà có thể giúp chúng sanh thời Mạt pháp có thể nương vào mà được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, duy chỉ có pháp môn niệm Phật mới có thể giúp chúng ta ra khỏi sanh tử vậy.

Dưới đây là mình trích dẫn lời dạy của HT Diệu Liên:

Vì thời đại ngày nay, là thời đại mạt pháp, căn khí của chúng sinh không còn sâu dày lanh lợi như thời tượng pháp và chánh pháp, nếu tu tự lực thật khó mà giải thoát được, khó có được một người thành tựu, duy chỉ có nương theo pháp môn niệm Phật mới có thể giải thoát, chỉ vì pháp môn niệm Phật dễ thực hành, đơn giản và lại dễ thành tựu, bất cứ hạng người thuộc căn cơ nào cũng tu được.

Lời dạy của Phật trong kinh điển mọi người cần phải tin, nếu không tin thì không phải là người Phật tử rồi. Nhất là thân làm người xuất gia, ăn cơm Phật mặc áo của Phật, bạn không thể tuyên dương chánh pháp là điều không thể nói rồi, nếu ngay lời Phật dạy cũng không tin, thậm chí lại còn hủy báng pháp môn niệm Phật, không tin lời Phật, lời Tổ tức bạn là quyến thuộc của ma, như vậy làm sao tránh khỏi quả báo, làm sao đủ chánh tri kiến học Phật được.

Giống như người nông dân trồng trọt cũng phải y theo thời tiết, nếu gieo giống không đúng mùa, làm sao giống có thể mọc được. Thời đại nào cũng có ảnh hưởng của thời đại đó. Phật pháp cũng phân chia thành ba thời kỳ chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Thời đại chúng ta hiện đang là thời kỳ mạt pháp, nếu bạn không thành tâm niệm Phật, mà cho rằng các pháp là tốt, đương nhiên các pháp môn khác cũng là tốt. Song không có hợp thời cơ.

Phàm một sự vật hay sự việc gì dù tốt đến đâu, cũng có thời hạn sử dụng của nó, nếu hết thời hạn sử dụng chất lượng sẽ không có. Cũng như trời đông lạnh giá, bạn lại nói rằng mặc áo lụa cho mát mẻ thì đã sai rồi. Áo lụa chỉ thích hợp cho mùa hè mùa thôi. Ngược lại, vào ngày hè thời tiết nóng nực, bạn lại nói mặc áo da áo bông là tốt. Áo bông, áo da chỉ có tác dụng chống lạnh mà thôi. Đương nhiên nó cũng tốt, song nó chỉ tốt cho ngày đông, bạn không thể mặc nó vào mùa hè mà cho là tốt được, chứng tỏ bạn là người không hiểu rõ thời thế. Vì thế, tất cả các pháp không kể là xuất thế gian hay xuất thế gian, đều lệ thuộc vào nhân duyên và thời tiết mà sinh sinh diệt diệt.

Pháp môn đã thuộc vào đệ nhất nghĩa đế, đương nhiên cũng tùy thuộc vào thời tiết nhân duyên mà có tác dụng. Đó là điểm mọi người cần phải nhận thức cho rõ. Vào thời đại ngày nay, chỉ có một câu “A Mi Đà Phật” mới có thể liễu sinh thoát tử. Bạn muốn vãng sinh Tây phương không còn thọ nhận khổ đau thế gian thì bạn cần phải có chánh tri kiến, có tín tâm mới có thành tựu được. Bạn không nên nghe người khác nói pháp môn này tốt, pháp môn kia vi diệu rồi tin theo. Bạn cần phải biết rằng : “Thiên kinh vạn luận, xứ xứ đều quy hướng Tịnh độ, Tổ Tổ Thánh hiền xưa nay chỉ quy hướng Tây phương”, đó là điểm các bạn cần phải chú ý. Vào thời đại này duy chỉ có nương theo niệm Phật mới được độ thoát, trừ niệm Phật ra, tu các pháp môn khác khó mà được giải thoát.

“…TIN RẰNG PHÁP NIỆM PHẬT VÃNG SANH LÀ MÔN TU DUY NHẤT CHO HẾT THẢY MỌI NGƯỜI,MỌI LOÀI  VÌ RỜI MÔN TU NÀY THÌ MỌI NGƯỜI, MỌI LOÀI KHÔNG THỂ GIẢI THOÁT, NẾU PHẾ BỎ MÔN TU NÀY THÌ CHƯ PHẬT CŨNG KHÔNG THỂ DÙNG MỘT PHÁP NÀO KHÁC ĐỂ TẾ ĐỘ HẾT THẢY HỮU TÌNH ĐÚNG NHƯ BẢN THỆ, ĐÚNG NHƯ BẢN NGUYỆN…
“_KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT.

Gặp Được Kinh Vô Lượng Thọ & Pháp Môn Niệm Phật Là Người Đã Cúng Dường Vô Số Chư Phật Quá Khứ.

Chúng ta từ trong vô lượng kiếp đã từng cúng dường vô số chư Phật Như Lai. Với thiện căn sâu dày như vậy bây giờ lại được Tam Bảo âm thầm gia trì nên mới có duyên gặp được pháp môn niệm Phật. Vì vậy chúng ta phải quý trọng cơ hội và nhân duyên này.

Bộ kinh này lưu hành còn chưa được năm mươi năm mà chúng ta lại có thể được cầm trên tay một quyển lại có thể tu hành theo quyển kinh này thì đây là thiện căn, phước đức và nhân duyên rất lớn. Vì pháp môn này “trực tiếp nhanh chóng, phương tiện rốt ráo”, còn nhanh chóng hơn cả “Hoa Nghiêm”, “Pháp Hoa”. Cuối “Hoa Nghiêm” mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc, là chuyển hướng đi. Chúng ta đi đến Cực Lạc mà không phải đi qua con đường đó. Phương pháp này thật sự rất là “phương tiện”[tiện lợi], một câu “A Mi Đà Phật” lúc nào chỗ nào cũng đều có thể niệm, không bị bất cứ hạn chế nào, không có bất cứ trở ngại nào.

Ai ai cũng có thể tu, ai ai cũng có thể học, ai ai cũng có thể thành tựu, đấy là “cứu cánh” [rốt ráo].

Hôm nay chúng ta đọc được quyển kinh này, vì số lượng từ không nhiều, nên có thể nói rất là vừa phải, không dài quá cũng không ngắn quá. Tánh tướng, sự lý, nhân quả trong kinh văn nói rất rõ ràng, dễ hiểu. Đây là một bộ kinh tốt rất khó có được! Vì vậy cổ đức khen ngợi rằng bộ kinh này là “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa mật tủy” [chứa cái sâu sắc của Hoa Nghiêm, tinh túy bí mật của Pháp Hoa]. Đây là tinh hoa, tinh túy của kinh Đại thừa, kinh Nhất thừa. Chúng ta có thể gặp được trong một đời này thì thật sự là có phước.

Chúng ta có duyên gặp được Phật pháp, có duyên gặp được “Vô Lượng Thọ Kinh”, gặp được Phật A Mi Đà. Đấy là đại thiện căn hiện tiền, chứng minh bản thân ta trong đời quá khứ không phải là không có thiện căn. Chúng ta muốn cầu Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì phải nỗ lực tu duyên của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bạn có nhân thiện, cộng thêm duyên niệm Phật, có lý nào lại không được quả báo chứ? Quả báo chính là Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta làm rõ ràng chân tướng sự thật, thì một đời này tự mình đã có thể nắm chắc vãng sanh.

Trích Niệm Phật Thành Phật
Lão pháp sư Tịnh Không giảng
Một vị cư sĩ Diệu Âm biên soạn
Chúng đệ tử Diệu Âm (Sen Vàng) chuyển ngữ

Tại Sao Niệm A Mi Đà Phật?

Tại Sao Niệm A Mi Đà Phật?

Sáu chữ hồng danh đây nguyên là Phạn âm (tiếng Thiên Trúc). Hai chữ đầu (Nam Mô) nguyên âm là Namo, ta quen đọc liền vần Nam mô, là lời tỏ lòng thành kính, có nghĩa là Quy y (về nương) và Quy mạng (đem thân mạng gởi về).

Chữ thứ sáu (Phật) nguyên âm là Buddha (Bụt Đa hay Bụt Thô), ta quen đọc gọn là Phật, chỉ cho đấng hoàn toàn giác ngộ (Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

Ba chữ giữa (A Mi Đà) là biệt danh của đấng Cực Lạc giáo chủ, dịch nghĩa là Vô Lượng (Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ) Như trong kinh, đức Bổn Sư tự giải thích rằng: “Đức Phật ấy, quang minh vô lượng, soi suốt các cõi nước ở mười phương không bị cách ngại. Đức Phật ấy và nhơn dân trong nước của Ngài thọ mạng vô lượng vô biên vô số kiếp “.

Trong Quán Kinh nói : “ Nếu người chí tâm xưng danh hiệu của Đức Phật đây, thời trong mỗi niệm diệt được tội sanh tử trong 80 ức kiếp và được vãng sanh …”

Trong Kinh Chư Phật Hộ Niệm nói: “Nếu người nghe danh hiệu của Đức Phật đây mà chấp trì trong một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thời được thành tựu nhiều thiện căn phước đức. Đức Phật ấy và Thánh chúng sẽ hiện đến nghênh tiếp… “

Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Nếu người chuyên xưng danh hiệu thời đặng chứng Nhất Hạnh Tam muội và chóng thành Phật…”.

Xem như lời của Đức Bổn Sư Thích Ca, đấng chân thật ngữ phán trên đây, thời thấy rằng ba tiếng hồng danh của đức Giáo chủ Cực Lạc có những năng lực bất khả tư nghị. Muốn được kết quả to tát như lời trong kinh, hành nhơn phải chí tâm xưng niệm, và phải xưng niệm đúng âm vận, chớ không nên như người Pháp goi Chợ Lớn là Sôlông, hay Bà Rịa là Baria.

Ba chữ A- mi- Đà nguyên là Phạn âm. Người Tàu đọc là A- mi- thô, và họ tụng xuôi là Á- mi -Thồ. Danh hiệu ấy truyền qua xứ Việt ta bằng chữ Tàu, biên sẵn trong các pho kinh sách Tàu. Người Việt ta cứ theo lệ phổ thông, chữ đâu đọc đó nên đọc là A-di-đà. Như đọc Nã Phá Luân để kêu Hoàng đế Napoleon (Na-po-lê-ông), cùng đọc Ba-Lê để kêu kinh đô Paris (Pari).

Với sự phiên âm bằng chữ Tàu, người Tàu đọc giống gần với nguyên âm, mà người Việt ta đọc sai quá xa. Giá như ta gặp hoàng đế Pháp mà gọi ông ta là Nã Phá Luân thời thật là đáng buồn cười. Với A-di-đà để gọi đức Giáo chủ Cực Lạc cũng theo lệ đó.

Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Đà Phật, khi chuyên nhiệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng. Vì thế, tôi mới để ý đến chính âm vận của sáu tiếng hồng danh. Đồng thời lời của Tổ Vân Thê trong sớ sao nói: “Hồng danh Nammô A-mi-đà Phật toàn là tiếng Phạn, chuyên trì không quên, thời cùng với pháp trì chú của Mật tông đồng nhau”, lại thúc đẩy tôi vào sự khảo cứu.

Với vần La Tinh, người Anh ghép Amita, mà tôi được thấy ở bộ Phật Học Đại Tự Điển.

Tôi đem ba chữ A-mi-đà ra hỏi, thời các Sư Tàu cũng như Cư sĩ Tàu đều đọc gằn từng tiếng một trước mặt tôi : A-mi-thô.

Hai tiếng đầu “A”và “Mi” đã nhất định, và đồng thời quyết chắc đọc “di” là sai. Tôi còn thắc mắc ở tiếng thứ ba, vì nếu dọc Amita như vần Anh, cùng A-mi-thô như người Tàu thời với tiếng Việt có hai điều bất tiện:

1. Nghe không nghiêm và không êm.

2. Khác với thông lệ từ xưa.

Một học giả Bali và Phạn ngữ giải thích: chữ “đà” của tàu dùng phiên âm Phạn ngữ có hai giọng:

1. Thô như danh từ “Bụt Thô” mà người tàu đọc xuôi là “Bù Thồ”.

2. Đa cũng như danh từ “Bụt Đa” (Buddha)

Với giọng “đa” để đọc chữ “thô”, nó mở đường cho tôi ghép 3 chữ lại: A-mi-đa và theo cách đọc xuôi đánh dấu huyền: A-mi-đà.

Ghép luôn cả sáu tiếng nam mô A-mi-đà Phật, tôi nhận thấy rằng tránh khỏi cái lỗi quá khác với nguyên Âm, dù vẫn chưa được hoàn toàn, nhưng có thể gọi là nhiều phần đúng và không quá cách biệt với cách đọc phổ thông theo cổ lệ, vì trong sáu tiếng đây chỉ có đổi “di” thành “mi” mà thôi.

Sau khi tham cứu như trên xong, tôi bắt đầu chuyên chí niệm Nammô A-mi-đà Phật, và cũng bắt đầu từ đó tôi liền nhận được kết quả.

1. Sáu tiếng hồng danh đây nổi rõ nơi tai cũng như nơi tâm, khác hẳn sự mờ mờ lọt sót của tiếng “di” trong thời trước.

2. Khi niệm ra tiếng, từ năm ngàn câu mỗi thời trở lên, môi lưỡi càng lúc càng nhại, càng chuyên, càng lanh. Khác hẳn sự trệ môi cứng lưỡi của những ngày niệm khi xưa.

3. Niệm ra tiếng với A-mi khỏe hơi hơn niệm ra tiếng của A-di khi trước, nhờ vậy mà mỗi thời niệm được lâu và nhiều.

Người chuyên niệm danh hiệu của Phật, tầng cấp đầu tiên là đến mức bất niệm tự niệm, hay niệm lực tương tục. Nếu khi niệm mà bị trệ, và tiếng Phật lại lờ mờ không nổi rõ nơi tâm thời khó mong được kết quả trên. Còn nếu trái lại thời mới có hy vọng đến đích.

Biết rằng niệm A-mi-đà được nhiều phần đúng với nguyên âm, nó sẽ đem đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghì, diệt vô số kiếp tội thành đại thiện căn phước đức giống như pháp trì chơn ngôn (thần chú) của Mật tông mà Tổ Vân Thê đã phán. Nó sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm. Nhất là niệm A-mi-đà được khỏe hơi, nhờ đó nên được niệm lâu và nhiều. Niệm Phật được thuần thục là nhờ niệm nhiều câu, nhiều giờ và tiếng niệm nhấn rõ nơi tâm. Và mức bất niệm tự niệm đây là phần bảo đảm vãng sanh Tịnh Độ cho người chuyên niệm. Tôi tin rằng niệm gần với nguyên âm, tức là gần đúng với thật danh của Đức Giáo chủ Cực Lạc, tất dễ được tương ưng và chóng được cảm thông với Phật. Và tôi đã tự cảm thấy có lẽ đúng như thế.

Nhưng trong kỳ kiết thất 49 ngày ở tịnh thất nơi chùa Linh Sơn Cổ Tự, một hôm tôi bỗng có ý nghĩ: “Mình dù thiển trí bạc đức, song cũng là người tai mắt trong Tăng giới, và cũng có đôi phần uy tín đối với gần xa, riêng mình tự tu đã đành không ngại gì, song rồi đây, tất có người tin tưởng nơi mình, mà họ sẽ tự noi theo chỗ làm của mình, nghĩa là họ sẽ niệm Nam mô A-mi-đà Phật. Một người như thế, lần lần sẽ có nhiều người như thế, tất sau này khó khỏi đôi điều thắc mắc:

1. Bàng quang sẽ cho mình lập dị, riêng phái, phá sự đã phổ thông của cổ lệ.

2. Đem sự ngờ vực cho người đã niệm A-di khi những người này chưa hiểu thế nào là A-di và thế nào là A-mi. Và sự ngờ là điều rất chướng của pháp môn niệm Phật

Tôi tự giải thích: “ Cổ lệ đã sai thời sự sửa đổi là điều cần (tôi tự sửa đổi riêng tôi). Mình không có quan niệm lập phái riêng hay lập dị, thời cũng không ngại gì với chuyên thị phi phê bình của bàng quan”. Và với sự ngờ của những người chưa nhận chơn, sẽ giúp họ tìm tòi khảo cứu, nhờ tìm xét họ sẽ thấu rõ sự sai với đúng, và họ sẽ thâu hoạch được kết quả tốt cũng như mình.

Mặc dù tôi tự giải thích với tôi như thế, nhưng trong thâm tâm vẫn mãi băn khoăn gần suốt ngày.

Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn..

Tối hôm ấy, tôi chiêm bao thấy mình đi vào một khu vườn cây cao cảnh đẹp. Giữa vườn, một dãy nhà cất theo kiểu trường học, và nghe rõ trong ấy một người xướng và số đông người hòa: Nam mô A-mi-đà Phật! Tôi tự bảo: “Ủa lạ! Câu Nammô A-mi-đà Phật tưởng là chỉ của riêng mình cải cách, riêng mình tín hướng và riêng mình chuyên niệm. Bất ngờ ở đây, người ta cũng đồng niệm như vậy rồi”. Tôi đứng dừng trước ngõ trường chăm chú nghe xướng hòa như thế hơn 10 lần mới choàng tỉnh. Bấy giờ mới biết là mình nằm mơ.

Do hai điềm trên đây (chữ A-mi hiện giữa trời và chiêm bao nghe xướng hòa nam mô A-mi-đà Phật), bao nhiêu nổi thắc mắc và băn khoăn nơi lòng tôi đều tan rã như khối tuyết dưới ánh nắng trưa hè…

Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm A-di mà niệm A-mi. Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-mi-đà. Đó phải chăng là do cơ duyên thời tiết nó nên như thế! Và cũng vì cớ ấy mà hôm nay có bài thuyết minh và tự thuật này.

Tôi viết bài này chỉ với mục đích giúp thêm sự nhận chơn về câu Nammô A-mi-đà Phật cùng lịch sử của nó, cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế. Và bài này cũng chỉ truyền bá trong phạm vi các bạn đây thôi.

Tôi xin khuyên nhắc các bạn, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, các vị nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải.

HT Thích Trí Tịnh

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ tát dạy về cách tu Tịnh độ: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục,” đô là bao gồm, tức nhiếp cả nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. Muốn nhiếp nhãn căn phải không phân biệt xấu đẹp, nhiếp được nhĩ căn thì không phân biệt khen chê, tức là khen cũng không vui, chê cũng không buồn. Nhiếp những căn khác cũng vậy. 

Nay nhiều người tu Tịnh độ không nhiếp được căn nào, mà chỉ mong lúc lâm chung có Phật A Mi Đà đến rước, đã không biết tông chỉ của Tịnh độ thì làm sao thực hành cho đúng? Phải thực hành đúng mới có Phật đến rước. Nguyện lực của Phật A Mi Đà rất mạnh, ví như làn sóng điện của đài phát thanh, dù máy radio rất nhỏ, bất kể ở phương trời nào, chỉ cần vặn đúng với làn sóng tổng đài thì tự nhiên thu được hiệu quả, hễ xê xích một sợi tóc là thu không được. Tu Tịnh độ cũng vậy, nguyện của mình phải đúng với nguyện của Phật A Mi Đà mới có tương ưng, xê xích mảy may cũng không được. Hễ không tương ưng thì dù ở khít một bên cũng không được, đâu phải chỉ niệm Phật là Phật đến rước !

Đạo Phật là hiếu đạo, nên cái gốc tu chính là tại đây, hiếu dưỡng cha mẹ, lấy đó làm đầu, chăm sóc cha mẹ tuổi già cho tròn bổn phận làm con sau đó mới tính đến thân mình cũng chưa muộn.

Nếu cha mẹ đã sớm khuất núi mà bạn đã có gia đình thì phải tận hết bổn phận làm cha, làm mẹ, dạy dỗ con cái nên người, chớ sớm rũ bỏ trách nhiệm, con cái hư hỏng, thiếu cha, thiếu mẹ, tội lỗi như vậy tu sao cho thành?

Tu chính là sửa chữa hành vi, chuyển đổi tâm mình, từ mê sang giác, chứ không chú trọng chuyển cảnh, chỗ nào cũng tu được, ở nhà tu cũng tốt, lên chùa tu cũng được, ngoài chợ tu cũng xong…Lại nữa, khi xuất gia, ăn cơm, thọ nhận ân đức cúng dường của thí chủ mười phương, tu mà không đến nơi đến chốn ắt hẳn kiếp sau mang lông đội sừng trả nợ bá tánh, chứ chẳng phải chuyện đùa, há không phải suy xét cẩn thận sao?

Xuất gia có ba nghĩa cao siêu, đứng về Lý: 
1) Xuất phiền não chi gia: ra khỏi nhà phiền não, tội lỗi. 
2) Xuất vô minh chi gia: ra khỏi nhà vô minh, tối tăm. 
3) Xuất tam giới chi gia: ra khỏi nhà ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). 
Xuất gia còn một nghĩa thứ tư, đứng về Sự, đó là xuất thế tục chi gia: ra khỏi nhà thế tục, rời bỏ gia đình vợ con quyến thuộc, địa vị trong xã hội để vào chùa, tu hành đạo giải thoát, giữ giới trì trai, diệt trừ phiền não, đoạn hết vô minh, vượt khỏi ba cõi. 

Đời ngũ trược mạt pháp này muốn tu tập vượt khỏi luân hồi sanh tử, có cách chi rốt ráo và khế cơ hơn là pháp môn niệm Phật? Theo các pháp môn khác chưa đoạn hết Nghiệp Hoặc thì chẳng thể giải thoát. 

Bạn nên đọc thêm lời dạy của Ấn Quang Đại Sư:
http://www.tangthuphathoc.net/tinhdo/anquangdaigiangonluc-00.htm

Tổ có nói lời sau:
“…Thề trọn một đời này làm một kẻ tự tu, chẳng lập môn đình, rộng thâu đồ chúng đến nỗi con cháu đời sau làm Phật pháp bại hoại, kéo cả Ấn Quang tôi vào trong địa ngục A Tỳ chịu khổ với chúng…”

Nếu xuất gia mà có thể hoằng dương phật pháp như Pháp sư Tịnh Không thì nên xuất gia, còn chỉ để tìm đường tự giải thoát cho riêng mình thì ở nhà niệm A Mi Đà Phật là đủ rồi, lại còn tùy duyên giảng giải phật pháp, hướng dẫn thân thuộc, hàng xóm biết niệm Phật cầu vãng sanh, đấy mới chính là việc nên làm trong đời này của chúng ta vậy.

homagehomagehomage

Plz Click Vào Đây!!

Pháp Sư – Tịnh Không Chủ Giảng 1 
Pháp Sư – Tịnh Không Chủ Giảng 2 
Pháp Sư – Tịnh Không Chủ Giảng 3 
Pháp Sư – Tịnh Không Chủ Giảng 4
Pháp Sư – Tịnh Không Chủ Giảng 5
Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ Pdf
Tịnh độ đại kinh giải diễn nghĩa mp3